Hậu quả đau lòng từ việc đội mũ bảo hiểm kiểu 'đối phó'

In

Mũ bảo hiểm văng ra khỏi đầu khi va chạm giao thông, bị lật ngược ra sau gáy đập mạnh khi té gây chấn thương cột sống cổ, bị các mảnh nhựa của mũ cắm sâu vùng mặt gây vỡ xoang trán, xoang hàm… là ghi nhận về chấn thương hàm mặt do TNGT của nhiều bệnh nhân (BN) nhập Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy và BV Nguyễn Tri Phương trong dịp Tết dương lịch vừa qua.
Chấn thương sọ não do TNGT vẫn gia tăng, đáng chú ý tại các khoa cấp cứu BV trên, tình trạng chấn thương sọ não (CTSN), chấn thương hàm mặt do TNGT có chiều hướng tăng hơn hẳn.

Ngày 4/1, bác sĩ Phạm Chí Dũng - Trưởng khoa cấp cứu BV Chợ Rẫy cho biết: "Từ 30/12/2011 tới 3/1/2012 đã có 384 bệnh nhân phải nhập khoa cấp cứu BV Chợ Rẫy do TNGT. Trong đó 263 ca là CTSN, nhiều ca phải mổ cấp cứu ngay tại khoa để cứu sống bệnh nhân. Chưa biết nguyên nhân gì nhưng một điều rất rõ đó là do ý thức tham gia giao thông. So với năm ngoái số ca TNGT dịp lễ vừa qua đã tăng vọt. Năm 2010-2011 trong 3 ngày Tết dương lịch chỉ ghi nhận 248 ca TNGT, trong đó 178 ca CTSN".

Cao điểm nhất tại BV Chợ Rẫy là ngày 1/1/2012, từ 5h sáng tới 22h, khoa đã tiếp nhận 148 ca TNGT, trong đó 103 ca CTSN. 10/27 ca phải mổ cấp cứu là TNGT với nhiều ca tổn thương nặng. Trước đó vào 2 ngày 30 và 31/12/2011 khoa cũng tiếp nhận 167 ca TNGT.

Đặc biệt trong ngày 1 và 2/1/2012 đã có 4 ca tử vong do TNGT (1 ca CTSN, 1 ca chấn thương hàm mặt), đều là bệnh nhân từ tuyến tỉnh chuyển lên. Có 2 bệnh nhân tử vong ngay trên đường cấp cứu tới BV: 1 BN từ Cần Giuộc (Long An) và một bệnh nhân từ Tiền Giang chuyển lên.

Tại Khoa Ngoại thần kinh BV Nguyễn Tri Phương, BS Lê Đức Định Miên cũng cho hay, số ca nhập viện do TNGT năm nay tăng cao. Nhất là số ca TNGT gây chấn thương vùng hàm mặt tăng hơn hẳn. Có những ngày khoa này tiếp nhận liền 6 ca do TNGT chấn thương hàm mặt.

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 4/1. Ảnh: Huyền Nga

Hiện khoa cũng đang điều trị cho nhiều ca khá nặng như bệnh nhân Kim Hiền (17 tuổi, ngụ tại TP HCM) với tổn thương vỡ xoang trán, vỡ xương đá, gẫy khung gò má; bệnh nhân K.Q. Nam (ngụ TP HCM) với TNGT gẫy vỡ xương hàm gây tụ máu trong xoang, vỡ thành ngoài hốc mắt trái…

Theo BS Miên, những trường hợp chấn thương hàm mặt như trên sau điều trị ngoại thần kinh buộc phải tiếp tục nhiều đợt điều trị và phẫu thuật tại BV răng hàm mặt, khoa thẩm mỹ, khoa tai mũi họng… với nhiều ca mổ hội chẩn giữa các bên để ghép da, tái tạo phục hồi khuôn mặt cho bệnh nhân rất lâu và tốn kém, do vùng tổn thương nhiều khi gây biến dạng khuôn mặt…

Riêng với những ca chấn thương hàm mặt kèm chấn thương vùng cột sống cổ, do khi được cấp cứu ngoài đường không đúng phương pháp, bệnh nhân thường được bế sốc lên tổn thương vùng cột sống cổ bị lệch, gây chèn ép dây thần kinh có thể gây liệt hoặc khi cấp cứu bệnh nhân chỉ được chú ý tới việc cầm máu mà không được cấp cứu đường thở cũng có khi gây phù não do thiếu ôxy.

"Vỡ xoang trán, vỡ hàm mặt thực sự không quá nặng nề, bệnh nhân vào vẫn tỉnh nhưng chảy máu mũi, gây bít tắc đường thở, xương phù nề gây biến dạng vùng mặt hàm mặt, gây chèn ép lên nhiều dây thần kinh vùng mặt… bệnh nhân bị tổn thương tâm lý sau này nhất là với nữ. Khó hòa nhập cuộc sống, do ngại tiếp xúc với mọi người xung quanh", BS Miên phân tích.

Cũng theo BS Miên, chưa có khảo sát nghiên cứu cụ thể nhưng thực tế cho thấy việc phổ biến đội mũ bảo hiểm nửa đầu như hiện nay chưa có tác dụng bảo vệ hoàn toàn cho mỗi người khi lưu thông. Bên cạnh đó, nhiều người khi xảy ra TNGT mới ân hận vì đeo dây mũ bảo hiểm bị lỏng, đeo dây cho có, khi té xuống sau va chạm giao thông mũ văng ra khỏi đầu hoặc bị chính phần nhựa, sắt của mũ khi vỡ cắm thẳng vào vùng mặt, vùng cổ.

Nhiều ca chấn thương hàm mặt do TNGT gây gẫy cung gò má phải bắt vít cố định sau mổ, điều trị các tổn thương với sự can thiệp của nhiều chuyên khoa mới cứu được bệnh nhân


Huyền Nga - Cand